Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tính hiệu quả trong việc ứng dụng lắp đặt hệ thống đèn LED trong khai thác biển |
Theo ngư dân Lê Văn Viện, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, trước khi được dự án hỗ trợ lắp đặt 60 bộ thiết bị đèn LED thì ông sử dụng đèn cao áp công suất từ 1.000- 5.000 W/bóng. Trung bình một chuyến đi biển từ 8 - 10 ngày tiêu tốn khoảng 1.000 lít dầu nay chỉ tốn khoảng 700 - 800 lít. Trước đây, dùng bóng đèn cao áp rất nhanh hỏng, phải thay bóng đèn liên tục, rất tốn kém. Chưa kể khi đánh bắt do phải sử dụng đèn thời gian dài khi tàu phải dùng cả máy đẩy là các máy phát điện 3 pha có công suất lớn để thắp sáng trong thời gian 8-10 tiếng/ngày khiến các máy phát thường bị cháy, làm tăng chi phí. Một nhược điểm bóng đèn cao áp nữa là thường sinh ra nhiệt lượng lớn, bóng thường bị nóng, khi gặp nước hoặc trời mưa bóng dễ bị bể. Mặt khác, trong quá trình sử dụng nếu nguồn điện từ máy phát điện không ổn định, điện áp giảm đột ngột thì sẽ làm cho bóng cao áp bị tắt, ánh sáng chậm phục hồi làm cho cá hoảng sợ không tập trung, nay thì tình trạng này được cải thiện rất nhiều, đặc biệt hệ thống đèn LED có độ chiếu sáng sâu, rất thu hút cá nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.
Đặc biệt, nhờ ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong đánh bắt khai thác hải sản như lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy dò ngang sonar và hệ thống đèn LED giúp tiết kiệm nhiên liệu sử dụng cho tàu đánh bắt xa bờ, tàu ông Viện đã đánh trúng mẻ cá bè xước trên 100 tấn vào đầu năm 2019. Thực tế về tăng hiệu quả đánh bắt biển nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong đó có hệ thống đèn LED cũng được minh chứng bởi một số tàu cá khác cùng tham gia Dự án tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả công việc với trang thiết bị đèn LED đặc biệt công nghệ mới (COB) cho tàu đánh bắt xa bờ Quảng Trị như tàu cá các ngư dân: Hồ Văn Thà; Võ Văn Thới và Hồ Văn Thu, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; Võ Văn Thức, Nguyễn Công Khương ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh; Nguyễn Văn Giới, Nguyễn Đức Giã ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong…
Từ năm 2017 đến nay, 40 tàu đánh bắt xa bờ ở 5 xã, thị trấn của 3 huyện là thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh; xã Gio Hải, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh và xã Triệu An, huyện Triệu Phong đã hỗ trợ lắp đặt 1.750 hệ thống đèn LED với tổng vốn 3.406.596 USD (chưa kể vốn đối ứng của Việt Nam). Tàu được lắp đặt có công suất 200 CV trở lên, làm nghề lưới vây. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ tàu cam kết không được gỡ bỏ đèn LED để thay thế đèn khác, tham gia tập huấn và vận hành theo đúng quy trình. Quá trình tham gia dự án, ngư dân còn được đội ngũ kĩ sư Nhật Bản xuống tàu kiểm tra, giám sát trong quá trình lắp đặt, vận hành; hỗ trợ thu thập số liệu tiêu thụ năng lượng và sản lượng đánh bắt.
Theo ông Phan Tuấn Anh, Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Quảng Trị có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90 - trên 400 CV). Tuy nhiên, công nghệ chiếu sáng dùng trong đánh bắt xa bờ truyền thống sử dụng các loại đèn cao áp, dây tóc, halogen, huỳnh quang, compact... nhưng chủ yếu đèn Meta Halide (thường gọi là đèn HID) công suất 1000W - 2.500W/bóng để dẫn dụ cá. Đây là loại đèn tiêu hao và phát thải nhiều Carbon dioxide (CO2) và con số thực tế (từ tháng 3-12/2017) giảm thiểu 960 tấn CO2. Ước tính trung bình hằng năm mỗi tàu tiêu thụ trung bình từ 25.000 đến 30.000 lít dầu DO/năm thì lượng khí carbon dioxide quy đổi sẽ là con số rất lớn, khoảng 90.000 kg CO2 (trung bình một lít dầu DO phát thải 2,67 kg Carbon dioxide). Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy độ rọi của tàu có sử dụng đèn LED lớn hơn đèn thông thường mặc dù tổng công suất chiếu sáng trên tàu có đèn LED chỉ bằng ¼ so với tàu đối chứng. Về độ sâu chiếu sáng, quá trình thực tế cho thấy độ chiếu sáng sâu nhất đèn LED tương ứng là 40-60 m, trong khi đó đèn cao áp chỉ đạt 17-30 m. Kết quả này cho thấy đèn LED có khả năng chiếu sâu hơn các loại đèn mà ngư dân đang sử dụng. Về quang thông là tương đương nhau.
Về chi phí nhiên liệu, tàu sử dụng đèn LED chỉ tiêu tốn nhiên liệu bằng 30-40 % so với tàu đối chứng. Điều này chứng tỏ rằng tàu sử dụng đèn LED mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các tàu của ngư dân sử dụng các loại bóng đèn thông thường khác. Việc tiết kiệm lượng dầu sử dụng ngoài việc giảm chi phí khai thác, còn có ý nghĩa góp phần giảm ô nhiễm môi trường do khí thải carbon dioxide gây ra. Qua kết quả nghiên cứu sử dụng công nghệ đèn LED trên tàu lưới vây kết hợp với ánh sáng cho thấy, đèn LED có nhiều ưu điểm và tính năng vượt trội hơn so với các loại bóng đèn thông thường đang sử dụng trong ngư dân hiện nay, hiệu quả kinh tế mang lại từ tàu khai thác có sử dụng đèn LED cũng cao hơn tàu khai thác của ngư dân. Tuy nhiên, nhược điểm của đèn LED hiện nay là giá thành quá cao (có thể cao hơn gần 10 lần so với đèn halide và cao áp). Do vậy việc đầu tư thiết bị đối với ngư dân là khó khăn. Vì vậy, thời gian đến, để công nghệ này được áp dụng rộng rãi trong nghề khai thác bằng ánh sáng, thì cần phải phối hợp với các công ty trong và ngoài nước sản xuất các loại đèn LED đánh bắt có giá thành hợp lí để ngư dân có thể dễ dàng trang bị.
Tiếp tục có các nghiên cứu một số nội dung làm cơ sở khoa học cho ứng dụng trong đánh bắt như: độ đồng đều của ánh sáng LED, sự thích ứng của các loài cá đối với phổ ánh sáng LED, tính toán công suất của Dinamo phù hợp với công suất của đèn LED trên tàu… với những ưu điểm vượt trội so với các loại bóng đèn thông thường, chắc chắn công nghệ đèn LED sẽ được ứng dụng rộng rãi cho nghề khai thác hải sản kết hợp ánh sáng trong thời gian không xa. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng cũng như áp dụng các tiêu chuẩn đối với đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ. Đồng thời Chính phủ và địa phương cần có chính sách hỗ trợ ngư dân sử dụng công nghệ đèn LED trong đánh bắt thông qua Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới sáng tạo và các quỹ khác…