Các lĩnh vực liên quan đến năng lượng sạch là những ngành đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi chiếm khoảng 40% mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là một “trục xoay chính” trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) công bố, Trung Quốc đã đầu tư ước tính khoảng 6,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (890 tỷ USD) vào năng lượng sạch trong năm 2023, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tương đương với khoản đầu tư toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch vào năm ngoái.
“Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ sạch để thúc đẩy tăng trưởng và đạt được các mục tiêu kinh tế quan trọng đã nâng cao tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của các lĩnh vực này. Điều này cũng có thể hỗ trợ tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng", các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo.
Các lĩnh vực năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, lưới điện, lưu trữ năng lượng, xe điện (EV) và đường sắt, chiếm gần như toàn bộ mức tăng trưởng đầu tư trên toàn nền kinh tế Trung Quốc.
Phân tích số liệu chính thức của CREA, các lĩnh vực năng lượng sạch đã đóng góp 11,4 nghìn tỷ nhân dân tệ cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 40% mức tăng trưởng GDP của đất nước này.
Sự bùng nổ đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, xe điện (EV) và pin, được đẩy mạnh khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, từng là động lực kinh tế quan trọng của đất nước, sụt giảm năm thứ hai liên tiếp. Theo CREA, nếu không có sự đóng góp của các ngành năng lượng sạch, GDP của Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà chính phủ đề ra.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự thay đổi dòng đầu tư sang các lĩnh vực năng lượng sạch không chỉ là kết quả của việc Trung Quốc tập trung nỗ lực vào năng lượng và giải quyết các vấn đề về khí hậu mà còn do những thay đổi trong chính sách kinh tế và công nghiệp rộng lớn của nước này.
Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng tăng trưởng đầu tư vào năng lượng sạch và mô hình kinh tế dựa vào đầu tư của Trung Quốc không thể tiếp tục kéo dài, vì tình trạng dư thừa công suất và lợi nhuận suy yếu có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của ngành năng lượng sạch.
Mặc dù Trung Quốc dẫn đầu thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu với số lượng lắp đặt kỷ lục, các nhà sản xuất pin quang điện mặt trời (PV) và tua-bin gió của nước này đang phải vật lộn với thua lỗ do dư thừa công suất và những tranh cãi về giá cả.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong nước và gặp khó khăn ở thị trường nước ngoài sau quyết định của Liên minh châu Âu áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và việc ban hành Đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào tuần trước, trong năm 2023, Trung Quốc đã vận hành công suất điện mặt trời tương đương với mức của toàn thế giới vào năm 2022, trong khi công suất tuabin gió của nước này cũng tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại CREA nhận định, ngay cả khi tốc độ mở rộng của lĩnh vực năng lượng của năm 2023 không lặp lại, thì đầu tư vào năng lượng sạch và giá trị sản lượng kinh tế do lĩnh vực này mang lại dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, vẫn còn sự thiếu hụt năng lực rất lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch và giao thông vận tải, vì Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đến năm 2060 nhiên liệu hóa thạch giảm xuống dưới ngưỡng 20% trong các loại nhiên liệu tiêu thụ tại nước này. Đây cũng là mốc mà quốc gia này đặt mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng không.
Ông Myllyvirta cho biết: “Khoản đầu tư lớn mà Trung Quốc dành cho năng lực sản xuất sẽ là động lực để đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh của thị trường nội địa về điện sạch, xe điện và công nghệ thiết yếu khác của hệ thống năng lượng không carbon”.