Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; Hưởng ứng phong trào Tiết kiệm điện do Bộ Công Thương phát động, doanh nghiệp các tỉnh thành phía Nam chủ động thực hiện nhiều giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ngay sau khi có lời kêu gọi từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố phía Nam đã gửi công văn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô và năm 2023. Đồng thời yêu cầu các cơ quan đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, qua đó góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn.
Nhân viên ngành điện miền Nam tuyên truyền người dân sử dụng điện tiết kiệm
Theo đó, các đơn vị điện lực (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) phối hợp với các Sở Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai cuộc vận động, đẩy mạnh tuyên truyên, làm việc với các khác hàng là doanh nghiệp trọng điểm, khách hàng sử dụng điện công suất lớn trên địa bàn tự nguyện giảm mức tiêu thụ điện năng, điều chỉnh phụ tải phi thương mại.
Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp giảm sản xuất vào giờ cao điểm, chuyển sản xuất giờ thấp điểm… để tiết kiệm điện
Tại tỉnh Đồng Tháp, hưởng ứng chủ trương thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều nhà máy có quy mô sản xuất lớn về chế biến gạo đã mạnh dạn thay đổi máy móc thiết bị tiên tiến và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào trong sản xuất, qua đó giúp tiết kiệm điện năng sử dụng, giúp giảm chi phí sản xuất. Điển hình như: Nhà máy chế biến gạo Phú An (thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc) - huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã lập kế hoạch, bố trí sản xuất theo ca tránh giờ sản xuất cao điểm, áp dụng thiết bị biến tần vào trong dây chuyền sản xuất… đã giúp nhà máy giảm lượng điện tiêu hao trong quá trình sản xuất.
Ông Đào Lữ Trung Nghĩa - Phụ trách Nhà máy chế biến gạo Phú An - cho biết: Với công suất xay xát 30 tấn lúa/giờ, lượng điện phải mua để phục vụ sản xuất, nhất là những lúc cao điểm mùa vụ rất lớn. Tuy nhiên, nhờ bố trí ca sản xuất thấp điểm, tránh cao điểm, nhất là ứng dụng công nghệ biến tần trong sản xuất… giúp nhà máy tiết kiệm điện hàng năm khoảng 15 -20% (tương đương tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng/năm), từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nam - Quản lý Công ty TNHH MTV Ngọc Đông III - huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (doanh nghiệp xay xát gạo) – cũng cho biết: Công ty thực hiện chương trình tiết kiệm trong khoảng 6 năm trở lại. Theo đó, công ty tắt giảm những cụm thiết bị hoạt động không cần thiết, sản xuất giờ thấp điểm, gắn thêm biến tần cho dây chuyền sản xuất. Do đó, hàng năm công ty tiết kiệm điện được khoảng 15% so với trước đây, qua đó giảm chí phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.
Công ty TNHH Quốc tế Tri Viet - Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn, Cần Thơ) đầu tư 100% đèn led cho hệ thống chiếu sáng, với tính năng tiết kiệm điện cao tại các xưởng sản xuất, phòng làm việc (Ảnh: Triviet)
Tương tự, tại TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Ðiền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) - cho hay: Hàng năm ngành điện đều có những hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm, như xây dựng kế hoạch điều chỉnh công suất phụ tải; tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên trong Công ty nâng cao ý thức tiết kiệm điện tại nơi làm việc. Theo đó, doanh nghiệp đã từng bước ứng dụng thiết bị, máy may công nghệ mới vào sản xuất… để vừa giúp gia tăng năng suất sản xuất, vừa tăng hiệu quả tiết kiệm điện tại đơn vị.
Ông Lâm Văn Lợi - Công ty Cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) - cũng cho biết: Hàng năm công ty đều xây dựng kế hoạch về việc điều chỉnh công suất phụ tải, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sản xuất, công ty yêu cầu cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, máy móc, thiết bị… Cũng như vận động cán bộ, công nhân viên thực hành tốt các biện pháp tiết kiệm điện tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tăng cường ứng dụng các công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất… qua đó giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, sức cạch tranh và nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm điện.
Không những các doanh nghiệp trong nước chủ động các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tham gia chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đơn cử như Công ty TNHH Quốc tế Tri Viet (100% vốn Nhật Bản), khu công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cũng đã ứng dụng đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất.
Theo đại diện Công ty TNHH Quốc tế Tri Viet, để giảm chí phí, nâng cao sức cạnh tranh và sử dụng điện tiết kiệm, Công ty đã đầu tư 100% đèn led cho hệ thống chiếu sáng, với tính năng tiết kiệm điện cao tại các phòng làm việc; lắp đặt máy biến tần tại các dây chuyền máy may, máy cắt và hệ thống xử lý nước thải. Ðặc biệt, tại xưởng sản xuất, công ty đã sử dụng hệ thống làm mát từ màn nước, kết hợp với quạt hút thay cho máy điều hòa... Nhờ áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện, phù hợp với điều kiện sản xuất, nên doanh nghiệp đã tiết giảm trên 30% lượng điện tiêu thụ/tháng.